Miền Tây tỉnh Quảng Trị được đánh giá là vùng rất có tiềm năng trong phát triển điện gió từ nhiều năm trước với tốc độ gió trung bình đạt từ 6 - 7 m/s. Vì vậy, mảnh đất này đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược trong phát triển năng lượng như: Tập đoàn T&T, Gazprom, EGATi, Tân Hoàn Cầu, Gilex…
Địa bàn thu hút dự án điện gió nhiều nhất hiện nay của tỉnh là huyện Hướng Hóa, với hơn một nửa số xã có nhà đầu tư điện gió đến thực hiện dự án. Trong đó, riêng xã Hướng Linh có tới hơn 10 dự án. Nếu tính cả những dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch thì điện gió gần như phủ kín cả vùng núi non này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra thực tế tại các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Tính riêng trong năm 2021, các dự án điện gió đầu tư tại huyện Hướng Hóa đã đóng góp vào ngân sách gần 1.200 tỉ đồng, trong đó thuế nhập khẩu thiết bị trên 950 tỉ đồng, VAT phát sinh trong xây dựng cơ bản trên 200 tỉ đồng.
Hiện tỉnh Quảng Trị có 84 dự án điện gió, trong đó có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng cổng suất 1.190MW, 53 dự án đã trình Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch đưa vào sơ đồ quy hoạch điện 7+ (mở rộng) với tổng công suất 2.850MW. Theo tính toán, nếu thành công, ngân sách Quảng Trị sẽ thu được khoảng 3.500 tỉ đồng/năm nhờ các dự án điện gió.
Đại công trường điện gió ở miền Tây Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: “Với các dự án đã được quy hoạch và đã đề xuất bổ sung quy hoạch, trong thời gian tới, Quảng Trị phấn đấu trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung, với quy mô công suất khoảng từ 13.000 đến 15.000MW…”.
Điện mặt trời ở vùng Đông Quảng Trị.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, Trưởng Ban chỉ đạo các dự án động lực của tỉnh, để có đầy đủ cơ sở phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung, UBND tỉnh đã rà soát lại các dự án năng lượng dự kiến đề xuất Bộ Công thương xem xét đưa vào tổng sơ đồ Quy hoạch điện VIII. Qua đó, đảm bảo đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị phải có tổng công suất đưa vào sơ đồ quy hoạch điện quốc gia ít nhất 10.000 MW; đầu tư dự án Trạm 500kV Lao Bảo và đường dây 500kV Đông Hà - Lao Bảo để giải tỏa hết công suất của các dự án năng lượng trên địa bàn trong thời gian tới.